[Chia Sẻ] Giải Đua Khắc Nghiệt Nhất Quả Đất: Sống Sót Trong 7 Ngày Vượt 250km Tại Sa Mạc Sahara

Thanh Hai
Đăng ngày 29/05/2022
546 Lượt xem
0 Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

Cuộc sống của chúng ta đôi khi gặp nhiều sóng gió trắc trở, nhưng những sự khó khăn đó có lẽ khó có thể so sánh với việc ăn dơi, uống nước tiểu của chính mình để duy trì tính mạng tại vùng sa mạc, đặc biệt là sa mạc Sahara, nơi diễn ra giải đua khắc nghiệt nhất trên quả đất “Marathon des Sables” (tạm dịch: Marathon trên biển cát sa mạc).

Như chúng ta biết, Sahara là vùng sa mạc lớn nhất thế giới, tọa lạc ở phía Bắc châu Phi, với tổng diện tích trên 9,4 triệu km2 (tương đương với diện tích của Trung Quốc). Nhiệt độ nơi đây có sự chênh lệch rất lớn giữa ngày và đêm, thường nằm trong khoảng 40-50 độ C, đôi khi rớt xuống còn vài độ hoặc thậm chí 0 độ vào ban đêm, hoặc một số nơi quanh năm không một cơn mưa. Đồng thời, trên sa mạc còn ẩn chứa nhiều động vật nguy hiểm, chẳng hạn như các loại rắn độc, hay các trận bão cát đột ngột và nhiều yếu tố nguy hiểm khó lường. Sa mạc Sahara được cho là một trong những nơi không thích hợp để sinh sống trên hành tinh của chúng ta, cũng như khu rừng Amazon vậy.

Giải marathon khắc nhiệt nhất quả đất được tổ chức tại sa mạc Sahara. (Ảnh: TV5 Monde)

Mặc dù vùng đất này không thích hợp sinh sống, nhưng nó lại thu hút không ít nhà thám hiểm đến để thử thách, trong đó phải kể đến giải đua “Marathon des Sables” được tổ chức tại đây vào tháng tư hằng năm, với tổng lộ trình thi đấu là 250km, tương đương với cự ly của 6 marathon, thời gian thi đấu tổng cộng là 7 ngày. Các bạn tuyệt đối đừng nên nghĩ rằng một marathon mất khoảng 4-5 giờ để chạy, khoảng 1 ngày là có thể hoàn thành 250km, nó không dễ như bạn nghĩ đâu, nếu không thì vì sao ban tổ chức lại cho đến 7 ngày. Chúng ta cùng xem vì sao chạy 6 cái marathon mà phải cần đến 7 ngày nhé!

Đầu tiên, đường đua không phải là đường nhựa hay đường đá cứng, mà là bãi cát, cho nên tốc độ trung bình sẽ chậm hơn tốc độ bình thường khi chúng ta chạy trên đường nhựa nhiều. Thứ hai, khi chạy trên sa mạc, không hề có một mái che cho chúng ta tránh nắng, người tham gia phải đương đầu với cái nóng cháy da vào ban ngày, theo thống kê thì lượng mồ hôi đổ ra cũng vào khoảng 0.8-2 lít/giờ trong trường hợp chỉ có những hoạt động nhẹ, nếu vận động thì sẽ vào tầm khoảng 3 lít/giờ. Đây là lý do mà vì sao chúng ta khó có thể chạy suốt lộ trình.

Những người tham gia phải tự vác theo vật dụng cá nhân trên người, gây cản trở khá nhiều trong sự di chuyển. (Ảnh: France 3 Région)

Ngoài ra, người tham gia phải tự mang theo vật dụng cá nhân trên người, gây cản trở rất nhiều đến sự di chuyển trên sa mạc. Vì vậy, nếu chúng ta có thể an toàn hoàn thành giải đua thì có thể nói là vô cùng lợi hại rồi.

Ba ngày đầu của giải là những lộ trình ngắn, mỗi ngày phải hoàn thành khoảng 40km, ngày thứ 4 và 5 cần phải hoàn thành 80-90km, và ngày thứ 6 sẽ là đua tính giờ với cự ly chuẩn marathon 42,195km, và ngày cuối cùng sẽ là giải đua gây quỹ từ thiện với cự ly là 10km nhưng thành tích này sẽ không tính vào tổng thành tích cá nhân.

Nhằm đảm bảo sự an toàn của các vận động viên, ban tổ chức quy định họ phải tự mang theo những vật dụng cần thiết như thức ăn, thuốc men, nước, túi ngủ, dao xếp đa năng, hộp quẹt, thuốc giải độc chuyên dụng khi bị rắn độc cắn, thảm giữ ấm,… Thường thì các vận động viên phải vác trên người một ba lô nặng khoảng 10k. Các vận động viên sẽ tiếp nước và nghỉ ngơi tại lều ở những điểm kiểm tra của ban tổ chức sắp xếp trên đường chạy mỗi ngày, tuy nhiên lượng nước họ cung cấp cũng có giới hạn, khoảng 12 lít/ngày.

Khu vực tiếp nước và lều nghỉ ngơi của BTC sắp xếp cho các vận động viên trên sa mạc Sahara. (Ảnh: Get Sweat Go) 

Ngoài ra, do tính nguy hiểm rất cao của sự kiện, trước đó cũng đã từng xảy ra nhiều vụ tử vong của vận động viên giữa đường đua, do đó khi đăng ký tham gia mỗi vận động viên phải trả thêm phí “vận chuyển xác về nhà”. Nghe rợn người thiệt!!!

Ở giải đua năm 2021, có tổng cộng 672 người tham gia, nhưng chỉ có 319 người hoàn thành, tỷ lệ bỏ cuộc khá cao 47%.

Cự ly của ngày đầu tiên được xem là không dài lắm, cùng với tinh thần và thể lực tràn đầy của giai đoạn bắt đầu được xem là ngày nhẹ nhàng nhất trong 7 ngày. Song, từ ngày thứ hai trở đi, vận động viên sẽ phải đối mặt với sự mất nước trầm trọng bởi cái nóng ban ngày và cái lạnh thấu xương ban đêm của sa mạc. Do đó, họ chỉ có thể sử dụng những thiết bị và vật dụng mang theo trên người để tự sưởi ấm.

Ngay cả đến việc ăn một bữa cơm đàng hoàng cũng rất khó, bởi vận động viên tiêu hao thể lực quá nhiều vào ban ngày, khiến cho các nội tạng hoạt động kém, không thể “chén mạnh”, mà chỉ có thể nuốt những loại thực phẩm dễ tiêu hóa. Thông thường thì những loại thực phẩm này không hợp khẩu vị mấy, càng làm tăng thêm tính “địa ngục” của chuyến phiêu lưu này.

Không ít vận động viên gặp phải vấn đề ở chân sau hai ngày đầu đi đường dài trên bãi cát sa mạc. (Ảnh:  )

Từ ngày thứ ba trở đi, chân của các vận động viên sẽ xuất hiện các vết phồng rộp, hoặc gãy móng chân,…

Ngày thứ 4 và 5 sẽ là ngày đua khảo nghiệm ý chí của vận động viên, và hai ngày này được cho là hai ngày nguy hiểm nhất của cả chặng đua. Mỗi ngày với lộ trình khoảng 80-90km, khoảng cách giữa các vận động viên sẽ có sự chênh lệch rất lớn ở giai đoạn này, bởi nguy cơ lạc đường, mất tích sẽ gia tăng.

Tại sự kiện năm 1994, một vận động viên người Ý đã lạc đường sau khi gặp phải cơn bão cát vào ngày thi đấu thứ 4. Để sống sót về đích, anh đã phải ăn dơi, các loại bọ cánh cứng, thằn lằn, thậm chí uống nước tiểu của mình. Mặc dù sau đó anh đã được đội cứu hộ tìm thấy, nhưng trong ký ức của anh vẫn còn đọng lại khoảng thời gian khủng khiếp ấy. Anh cho biết, vào lúc tuyệt vọng định cắt mạch tự tử, nhưng do cơ thể thiếu nước trầm trọng, máu ở tĩnh mạch đã đông lại, làm cho vết cắt không “một giọt máu rơi xuống”. Quả thật là một địa ngục “sống không bằng chết”.

Giải đua “cá cược tính mạng” ở sa mạc Sahara vẫn thu hút nhiều vận động viên tham gia mỗi năm. (Ảnh: Morocco Latest News )

Và nếu như có thể may mắn hoàn thành ngày thi đấu thứ 4 và 5, thì lúc này bạn sẽ rơi vào trạng thái chiến đấu bằng tâm lý nhiều hơn. Sau ngày đua thứ 5 sẽ là ngày đua marathon tiêu chuẩn với cự ly 42,195km, các vận động viên sẽ rút hết sức bởi đây là ngày đua cuối cùng của chặng. Nhiều vận động viên cho biết họ trải qua vô vàn cung bậc cảm xúc trong suốt 7 ngày của “Marathon des Sables”, và những cảm xúc ấy khó có thể dùng ngôn từ để diễn tả hết được.

Và ở giải đua năm 2021, đương kim vô địch nội dung nam đã hoàn thành cự ly marathon của ngày thi đấu thứ 6 chỉ trong 3 giờ 7 phút 25 giây. Woa, chỉ có thể nói là không thể tưởng tượng nổi, sau 5 ngày vật vã trước đó mà anh vẫn có thể tạo nên kỳ tích “khủng” này.

Vào ngày thứ 7, hầu hết tất cả các vận động viên đã vứt bỏ “sự so đo” với người khác, họ sẽ đoàn kết cùng nhau tận hưởng 10km gây quỹ từ thiện vào ngày thi đấu cuối cùng. Việc cán đích ở vị trí thứ mấy đối với tất cả các vận động viên hoàn thành giải đua mà nói lúc này đã không còn quan trọng, bởi họ đã thành công chinh phục quãng đường “địa ngục” 250km của vùng sa mạc khắc nghiệt nhất hành tinh này.

Không cầu tốc độ, chỉ cầu bình an hoàn thành giải đua. (Ảnh: Taiwan News)

Mặc dù nói rằng đây là giải đua marathon khắc nghiệt nhất thế giới, trên thực tế từ giải đua đầu tiên năm 1986 đến nay cũng chỉ có 3 ba nạn nhân tử vong khi tham gia sự kiện. Bởi đến tham gia giải đua này đều là những elite đẳng cấp thế giới, và trên người của mỗi vận động viên đều được trang bị một thiết bị SOS, khi gặp nguy hiểm họ chỉ việc nhấn nút thiết bị sẽ có đội cứu hộ trực thăng đến giải cứu, như vậy sẽ hạn chế nguy cơ tử vong, đảm bảo tính mạng cho người tham gia.

Một vận động viên từng tham gia giải chia sẻ: “Đối với những người nghi ngờ về tính khắc nghiệt của giải đua này, có thể đến thử một lần cho biết. Nếu như không dám, thì hãy câm mồm lại.”

Sau khi đọc xong những lời chia sẻ của ad về giải đua “Marathon des Sables” có bạn nào muốn được trải nghiệm một lần trong đời cho biết với người ta không?


Theo Running Biji